Là sự phát triển của các tế bào ung thư trong buồng trứng. Triệu chứng thường gặp là đầy bụng, đau bụng, dễ bị nhầm với chứng khó tiêu hoặc các vấn đề tiêu hóa khác, làm chậm chẩn đoán ung thư, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn các tế bào ung thư đã lan rộng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở phụ nữ trên 50 tuổi. Ung thư buồng trứng có 2 loại là ung thư biểu mô buồng trứng và ung thư ngoài biểu mô. Đây là bệnh đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng.
Triệu chứng
Cảm giác nặng vùng chậu, đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, sụt cân, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, đau lưng tăng nặng không rõ nguyên nhân, tăng vòng bụng.
Chẩn đoán
- Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Có thể thấy một bên buồng trứng to hơn bên còn lại.
- Ung thư buồng trứng thường được tìm thấy bằng cách siêu âm vùng chậu, sinh thiết buồng trứng, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) để kiểm tra xem ung thư đã di căn chưa.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu: xét nghiệm đo lượng CA 125 (kháng nguyên ung thư 125) protein trong máu.
Điều trị
- Phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu và cần thiết.
- Hóa trị và xạ trị có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật.
- Sau khi điều trị, bệnh được giám sát bằng các xét nghiệm máu để kiểm tra lượng protein có tên là "CA-125" (kháng nguyên ung thư 125) và chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).
Tổng quan bệnh Ung thư buồng trứng
Cơ thể con người ta được cấu tạo từ nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thường, các tế bào lớn lên, phân chia và tạo ra nhiều tế bào khác khi cơ thể cần đến chúng. Quá trình này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên đôi khi các tế bào vẫn phân chia khi cơ thể không cần đến. Những tế bào thừa này hình thành nên 1 khối tổ chức mà người ta gọi là tăng sinh hoặc khối u.
Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính. Khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng gọi là ung thư buồng trứng. Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng (UTBT) rất khó phát hiện vì vậy hiểu biết về chúng là rất quan trọng để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân bệnh Ung thư buồng trứng
Cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng.
Phòng ngừa bệnh Ung thư buồng trứng
- Sinh con đầu lòng trước tuổi 30 và cho con bú sữa mẹ.
- Luyện tập thể thao
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý
- Cẩn thận khi sử dụng các hormone thay thế ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh
- Khám Phụ khoa định kỳ phát hiện bệnh sớm
- Đối với người có yếu tố nguy cơ: Thường xuyên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa như phòng khám Ung bướu, phòng khám Sản phụ khoa…
Điều trị bệnh Ung thư buồng trứng
- Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị đầu tiên thông thường đối với phụ nữ bị chẩn đoán ung thư buồng trứng. Phẫu thuật thường bao gồm cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung thành 1 khối. Thông thường bác sĩ phẫu thuật cũng cắt cả mạc nối lớn (màng mỏng bao quanh dạ dày và đại tràng) và các hạch bạch huyết trong ổ bụng. Trong khi phẫu thuật, để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư, bác sĩ phẫu thuật phải kiểm tra toàn bộ ổ bụng, hút dịch ổ bụng nếu có, lấy bỏ hạch bạch huyết, nhân di căn ở cơ hoành hay các cơ quan khác. Nếu ung thư đã lan rộng, phẫu thuật viên sẽ lấy tối đa tổ chức ung thư và qui trình này gọi là phẫu thuật giải tỏa u. Phẫu thuật này làm giảm tối đa khối lượng tổ chức ung thư để tạo điều kiện cho việc điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị sau mổ đạt kết quả tốt.
- Hóa trị: Là dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị được dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể sau phẫu thuật, kiểm soát sự phát triển của khối u, hoặc làm giảm các triệu chứng bệnh. Hầu hết các thuốc dùng để điều trị trong ung thư buồng trứng được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Các thuốc có thể tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc qua một ống nhỏ gọi là Catheter. Catheter được luồn vào trong một tĩnh mạch lớn, để lại một phần ống ở ngoài với độ dài cần thiết để bơm thuốc. Một số thuốc chống ung thư được dùng bằng đường uống. Dù dùng bằng đường tiêm hay đường uống, thuốc đều vào dòng máu và lưu thông khắp cơ thể. Một cách dùng thuốc khác là bơm thuốc trực tiếp vào khoang bụng qua ống Catheter. Với phương pháp này, hầu hết thuốc được giữ lại trong khoang bụng. Sau khi kết thúc việc điều trị hóa chất, phẫu thuật thì hai có thể thực hiện nhằm kiểm tra ổ bụng bằng quan sát trực tiếp. Phẫu thuật viên có thể lấy bỏ dịch và các nhân nghi ngờ để kiểm tra xem thuốc chống ung thư có hiệu quả hay không.
- Xạ trị: Là việc dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Xạ trị chỉ tác động đến các tế bào ung thư ở trong vùng chiếu xạ. Tia xạ có thể phát ra từ máy gọi là xạ trị ngoài. Một vài bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp gọi là xạ trị trong màng bụng, theo cách này một dung dịch chứa chất phóng xạ được bơm trực tiếp vào khoang bụng qua một ống Catheter.
Video gioi thieu phong kham: http://androidmafia.ru/video/gKeFCAnYwmc