Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa phổ biến, chiếm tới 1/8 các ca bị bệnh phụ khoa. Đây là loại bệnh khi các lớp niêm mạc trong tử cung bong ra nhưng không được đẩy hết ra ngoài (lớp này ra ngoài chính là kinh nguyệt). Chúng sẽ bị đẩy ngược lại buồng trứng, bàng quang và trực tràng… lâu ngày tích tụ nên các lớp nội mạc. Bệnh gây các cơn đau dữ dội và có thể gây vô sinh.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí lạc nội mạc tử cung và có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng bao gồm:
- Đau bụng dưới;
- Đau trước hoặc sau khi hành kinh;
- Đau khi giao hợp;
- Đau khi tiểu tiện, đại tiện;
- Đau vùng chậu;
- Đau lưng.
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Siêu âm vùng chậu và vùng âm đạo có thể được khuyến khích để thiết lập chẩn đoán. Xét nghiệm thử thai (BHCG) và siêu âm.
Điều trị
Điều trị bao gồm: thuốc giảm đau, liệu pháp hormon để ngăn chặn kinh nguyệt. Trong những trường hợp nặng, phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ được chỉ định.
Tổng quan bệnh Lạc nội mạc tử cung
Thông thường khi hành kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bong tróc và được 'tống' ra ngoài. Khi những mảng niêm mạc tử cung bong tróc, không thoát ra ngoài mà bị chảy ngược trở lại buồng trứng, khoang bụng, bàng quang, trực tràng... được gọi là lạc nội mạc tử cung.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, phần lớn bệnh nhân đều không có triệu chứng rõ ràng. Nếu thấy đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt thì rất có thể bạn bị lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bệnh Lạc nội mạc tử cung
Nguyên nhân thực sự của lạc nội mạc tử cung chưa được chỉ rõ nhưng có một số ý kiến cho rằng tất cả những yếu tố làm cho máu kinh chảy ngược lại đều có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung.
- Ở con gái, có thể do trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung đóng kín nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh ra thì máu chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại.
- Cũng có ý kiến cho rằng căn bệnh này cũng có thể là do các yếu tố di truyền gây ra. Một số ít nêu một vài giả thuyết khác như khi con người sinh ra, một số nội mạc tử cung đã nằm lạc chỗ hay do dị sản, tế bào phôi còn tồn tại biệt hóa thành tổ chức như nội mạc, hoặc cũng có thể do đặt vòng, do tắc nghẽn đường sinh dục lúc bẩm sinh.
Cơ chế bệnh sinh
Ở nơi lạc chỗ, nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nên đến chu kỳ kinh, khi nội mạc tử cung phát triển dầy lên và những mảnh lạc này cũng dầy lên (khoảng hơn 10 lần), trương lên, chứa đầy máu, chèn ép và gây đau trước khi hành kinh. Khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu nhưng không có đường thoát ra, gây đau dữ dội khi hành kinh. Máu ứ sẽ tạo cơ hội cho viêm nhiễm, rất dễ gây dính ở các cơ quan này. Khi hết kinh, những mảnh lạc tạo thành những mô sẹo, đến chu kỳ sau lại thế. Số lượng các mô lạc chỉ tăng lên chứ không giảm đi, bệnh ngày càng nặng.
Phòng ngừa bệnh Lạc nội mạc tử cung
- Để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ từ tuổi 25 trở đi nên có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ 06 tháng/lần, theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.
- Vệ sinh, giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo. Cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo, không nên xối nước hay thụt rửa sâu bên trong âm đạo để tránh vi khuẩn có điều kiện ngược lên trên tử cung gây tái viêm loét, khó khăn trong việc điều trị viêm nhiễm.
- Không lạm dụng rửa bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, làm vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.
Điều trị bệnh Lạc nội mạc tử cung
Cách thức điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, vị trí và kích thước của khối nội mạc tử cung và kế hoạch mang thai của bạn. Tuổi của bạn cũng là một yếu tố, vì các triệu chứng có thể nặng thêm khi bạn lớn tuổi hơn, tuy nhiên, sau khi mãn kinh, bệnh có thể giảm dần.
Các giải pháp điều trị bệnh nếu bạn đang có ý định mang thai
- Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ, bạn sẽ có 30-60% cơ hội mang thai trong vòng 2 năm hoàn thành điều trị. Nếu ở mức độ vừa phải, bạn sẽ có 60% cơ hội, nếu ở mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ có 35% cơ hội. Bác sĩ sẽ loại bỏ các khối bất thường, các mô bằng tia laser hoặc dụng cụ phẫu thuật trong quá trình nội soi - một quy trình tương đối đơn giản, bạn sẽ có 40% khả năng thụ thai. Khả năng có thai của bạn sẽ cao nhất trong vòng 1 năm điều trị, vì lạc nội mạc tử cung thường tái phát mặc dù đã được phẫu thuật. Nếu bạn ở trường hợp lạc nội mạc tử cung nhẹ và đang cố gắng để có thai, bác sĩ có thể đề nghị bạn chưa điều trị vội trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng. Nếu bạn không có thai trong thời gian đó, bác sỹ có thể xem xét các phương pháp điều trị cho bạn. Bạn cũng có thể bắt đầu thực hiện điều trị bổ sung cho các vấn đề khác được phát hiện trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản. Một số phương pháp điều trị bổ sung bao gồm dùng thuốc giúp tăng khả năng sinh sản kết hợp với kỹ thuật cấy tinh hoặc làm thụ tinh ống nghiệm.
Các phương pháp điều trị nếu bạn không có ý định mang thai
- Nếu bạn không có ý định có thai và các triệu chứng ở mức độ nhẹ đến trung bình, cần phải kiểm tra thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn, nhưng có thể không cần điều trị bằng thuốc. Lạc nội mạc tử cung có thể sẽ biến mất khi bạn đến tuổi mãn kinh và ngừng rụng trứng hay có kinh. Nếu bạn bị đau nhẹ trước hoặc trong kỳ kinh và khả năng sinh sản của bạn không phải là một yếu tố đáng quan tâm thì dùng thuốc giảm đau thông thường có thể đủ để làm giảm sự khó chịu.
- Thuốc tránh thai hoặc progesterone cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bạn bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng, khiến niêm mạc tử cung và nội mạc tử cung ngừng chảy máu mỗi tháng. Điều này ngăn cản nang mới và mô sẹo hình thành, từ đó ngăn sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung mà không cần chữa trị.
- Cũng có các loại thuốc khác làm giảm các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. Ví dụ, các chất đồng vận hormone hướng sinh dục, các thuốc này bắt chước những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, nó làm giảm nồng độ estrogen, làm các khối nội mạc tử cung thu nhỏ lại và các triệu chứng giảm bớt.
- Nhược điểm là những loại thuốc này ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung phát triển nhưng không chữa khỏi nó. Một khi bạn ngừng dùng các loại thuốc này, bệnh có thể tái phát. Các loại thuốc này cũng đắt tiền và thường gây ra tác dụng phụ như nóng ran người, khô âm đạo, mất mật độ xương. Do vậy, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn chỉ nên điều trị bằng phương pháp này trong 6 tháng hoặc ít hơn.
Xem theêm: viêm âm đạo